Vị trí - địa lý Mù Căng Chải
Mù Cang Chải là một huyện miền núi, tọa lạc ở phía tây của tỉnh Yên Bái. Phía bắc giáp huyện Văn Bàn (Lào Cai), phía nam giáp huyện Mường La(Sơn La), phía tây giáp huyện Than Uyên (Lai Châu) và phía đông là huyện Văn Chấn. Huyện nằm dưới chân của dãy núi Hoàng Liên Sơn ở độ cao trên 1.000 mét so với mực nước biển. Muốn đến nơi đây, du khách phải băng qua đèo Khau Phạ, một trong những con đèo hiểm trở nhất của núi rừng Tây Bắc. Nơi đây sở hữu địa hình núi cao và rất hiểm trở do địa hình bị chia cắt mạnh, độ dốc trung bình của toàn huyện là 40 độ, có nơi lên tới 70 độ.
Mù Căng Chải đặc biệt ở chỗ không có một con sông lớn nào, thay vào đó là hệ thống khe suối dày đặc dài hàng chục kilomet, khởi nguồn từ dãy Hoàng Liên Sơn. Khí hậu mang đặc tính ôn đới nhưng có tính chất tiểu vùng rõ rệt, phân chia thành hai mùa là mùa khô và mùa mưa.
Lịch sử Mù Căng Chải
Được thành lập vào ngày 18 tháng 10 năm 1955 thuộc khu tự trị Thái Mèo, châu Mù Cang Chải có bề dày lịch sử và truyền thống văn hóa lâu đời với đa phần dân số là người Mông, còn lại là người Thái, người Kinh. Người Mông thường sinh sống ở những sườn núi cao từ 800 đến 1.700 mét, có kinh nghiệm làm ruộng bậc thang và một số nghề thủ công truyền thống như: rèn đúc, dệt vải bằng sợi lanh, làm đồ trang sức…Văn hoá canh tác ruộng bậc thang của người dân tộc Mông ở La Pán Tẩn, Chế Cu Nha, Dế Su Phình đã biến tên Mù Cang Chải (nghĩa là làng cây khô) thành đồi ruộng xanh tươi đầy sức sống. Từng thửa ruộng bậc thang nối tiếp nhau tạo nên nét đặc trưng của Mù Căng Chải. Mùa gặt ở đây thường là mùa thu, khoảng tháng 9-10.
Vẻ đẹp Mù Căng Chải
Đến đây, du khách chắc chắn sẽ bị choáng ngợp bởi không gian núi đồi rộng lớn, trong đó nét nổi bật làm nên tổng thể bức tranh thiên nhiên vùng rẻo cao là những thửa ruộng bậc thang gối lên nhau, trải dài đến tít tắp. Là nguồn sống nuôi dưỡng cả một vùng quê nghèo, ruộng bậc thang Mù Căng Chải còn tạo nên những giá trị thẩm mỹ độc đáo và riêng biệt, được nhiều du khách yêu mến, đặc biệt nó đã gọi mời bao tâm hồn, tài năng nhiếp ảnh gia tới đây để bắt lấy “khoảnh khắc xuất thần của nghệ thuật và cuộc sống”.
Thật tuyệt vời biết bao khi được hít hà không khí trong sạch của núi rừng, sớm dậy lại nghe tiếng róc rách từ khe suối, tiếng chim hót rộn vang trên từng vòm cây, kẽ lá, đặc biệt thấy sương mai giăng mắc lên những thửa ruộng xanh lưng chừng núi, nó tạo nên một cảm giác thật yên bình và thư thả. Chiều về, nhìn những ngôi nhà thấp thoáng phía xa xa với nhịp sống yên ả, ấm áp, bên những khoảng không rộng lớn của cánh đồng, ngắm nhìn hoàng hôn xuống cũng là một cảm giác lạ.
Có thể nói, ruộng bậc thang ở đây chính là một di sản văn hóa do những người dân tộc bản địa tạo nên qua nhiều thế hệ, là vẻ đẹp độc đáo hơn bất cứ nơi nào trên thế giới.
Hiện nay, Các thửa ruộng bậc thang ở ba xã La Pán Tẩn, Chế Cu Nha và Zế Xu Phình đã được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Việt Nam xếp hạng là danh thắng quốc gia, trở thành điểm du lịch nổi tiếng của nước nhà.