Du lịch Tây Bắc, ghé qua Sơn La, bạn nên dành chút ít thời gian để tham quan nhà tù Sơn La. Đây là nơi đã từng giam giữ những người chiến sĩ Cộng sản yêu nước của Việt Nam thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Với sự tra tấn dã man, tàn bạo, thực dân Pháp đã biến Nhà ngục Sơn La thành một địa ngục trần gian, tuy nhiên, chính trong chốn địa ngục kinh hoàng ấy, khí tiết của người chiến sĩ cộng sản lại toả sáng hơn bao giờ hết và thắp lên ngọn lửa đấu tranh cách mạng biến “ngục tối” thành “ngục sáng”. Di tích Nhà tù Sơn La

Nhà tù Sơn La bao năm nay vẫn nằm im lìm trên đỉnh đồi Khau cả, một khu đất cao trong trung tâm thị xã Sơn La, nơi án ngữ các ngả đường từ Hà Nội - Lai Châu - Tạ Bú. Trên thực tế, nhà tù Sơn La chính là một cái hầm chôn người sống. 

Thực dân Pháp đã cho xây dựng Nhà tù Sơn La vào năm 1908, lúc đó, nhà tù rộng 500m2. Ban nó chỉ là Nhà tù hàng tỉnh có tên là "Prison de Vạn Bú" được sử dụng làm nơi giam giữ những phạm nhân bình thường. Từ khi Đảng cộng sản Việt Nam ra đời và lãnh đạo nhân dân ta trong cuộc chiến tranh chống đế quốc, phong kiến thì Nhà tù Sơn La biến đổi về tính chất, và diện tích tăng lên tới 1.500m2, không chỉ là nơi giam giữ phạm nhân bình thường nữa mà còn giam cả tù chính trị thuộc các đảng phái, phần lớn là tù Cộng sản. 

Di tích Nhà tù Sơn La

Năm 1940, diện tích nhà tù lại được mở rộng lên tới 1.700m2 với hệ thống tường vững chắc bằng đá và gạch cao 4m, dày nửa mét. Nhà tù Sơn La dần trở thành trung tâm giam cầm những người chiến sĩ Cộng sản Việt Nam.

Không giống với các nhà tù khác, thực dân Pháp khoét núi, ghép các ngăn núi nhân tạo thành một hệ thống phòng giam tối tăm, không có ánh sáng. Nhà tù Sơn La rất kiên cố, tường bằng đá lẫn gạch, mái lợp tôn. Giường nằm cho tù nhân được làm bằng đá, mặt láng xi măng, mép ngoài gắn hệ thống cùm chân dọc theo chiều dài của sàn. Với kết cấu như thế, những đợt gió Lào của vùng Tây Bắc với cái nóng như thiêu như đốt, cùng những đợt sương muối giá rét đã tạo cơ hội cho các loại bệnh phát sinh và lây lan. Nhà tù này bị bọn thực dân coi như một vùng “đất chết” một nơi “cộng sản vào mà không ra”, một nơi “bỏ xác”, “một cái làng dưới âm ty của những thây ma còn thở”… Không những thế, những người tù bị giam cầm tại đây còn bị đày ải, tra tấn khủng khiếp về cả thể xác lẫn tinh thần, nhằm thủ tiêu tinh thần cách mạng của từng người.

Di tích Nhà tù Sơn La

Từ năm 1930 - 1945, 1007 lượt chiến sĩ cách mạng của Đảng, của dân tộc đã bị thực dân Pháp giam giữ trong chốn ngục tù này, có thể kể đến như: Lê Duẩn, Trường Chinh, Nguyễn Lương Bằng, Trần Huy Hiệu, Nguyễn Đức Tâm, Lê Đức Thọ, Văn Tiến Dũng, Xuân Thủy, Lê Thanh Nghị và nhiều đồng chí trung kiên khác của cách mạng Việt Nam. 

Tuy nhiên, bất chấp tất cả những gông cùm, xiềng xích, hoàn cảnh lao tù đầy tăm tối, tù túng và gông xiềng, các chiến sĩ cách mạng vẫn một lòng kiên trung, son sắc, kiên định với lý tưởng của mình. Họ vẫn giữ vững ý chí và tinh thần cách mạng, tuân thủ kỉ luật của tổ chức cách mạng trong nhà tù… là những nội dung sinh hoạt và hoạt động của các chiến sĩ nhà tù Sơn La. Họ đã biến “ngục tối” thành “ngục sáng”, nhà tù thực sự trở thành một lò luyện ý chí của các chiến sĩ cách mạng. 

Di tích Nhà tù Sơn La

Năm 1952, trước khi rút khỏi Sơn La, để xóa đi những dấu vết tội ác, thực dân Pháp đã ném bom phá hủy khu vực nhà tù. Năm 1965 chiến tranh phá hoại miền Bắc của Mỹ, nhà tù Sơn La gần như bị phá hủy hoàn toàn.

Phải đến khi nước nhà được thống nhất, tỉnh Sơn La mới cho phục chế lại di tích nhà tù Sơn La nhằm giáo dục truyền thống lịch sử cho các hậu bối về sau. Lần thứ nhất vào năm 1980 bao gồm: San lấp hố bom; xây dựng lại một số đoạn tường rào bao quanh nhà tù. Lần thứ hai vào năm 1994, phục chế lại 2 tháp canh, nhà bếp, trại giam lớn, xây các bức tường phòng giam trên nền cũ, gia cố lại xà lim ngầm… Hiện ngày nay còn giữ lại được ở nhà tù Sơn La là những tờ báo “Suối reo”. Bị giặc đẩy vào cõi chết mà lòng các chiến sĩ vẫn như suối reo. Cùng với tờ “Suối reo”, tại di tích nhà tù Sơn La còn lưu lại những chứng tích gắn với thời kỳ trước cách mạng như hình ảnh “cây đào” - một kỷ niệm của đồng chí Tô Hiệu, xuân đến cây đào Tô Hiệu lại nở hoa cùng với mùa hoa ban trắng rừng Tây Bắc. Cây đào gợi nhớ cuộc đấu tranh kiên cường, tinh thần lạc quan cách mạng của người tù cộng sản.

Di tích Nhà tù Sơn La

Ngày 28/4/1962, Nhà nước ra quyết định số 313-VH/VP đã chính thức công nhận di tích nhà tù Sơn La là di tích quốc gia. Di tích lịch sử Nhà tù Sơn La được Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định xếp hạng là Di tích Quốc gia đặc biệt ngày 31/12/2014.

Thời gian đã xóa nhòa đi nhiều vết đau thương trong lịch sử dân tộc, song Di tích Nhà tù Sơn La còn đứng đó trong núi rừng Sơn La như một chứng tích, một huyền thoại về khí phách anh hùng của những người Cộng sản Việt Nam, điều này có sức rung ngân sâu sắc trong lòng người hôm nay, mai sau và tích cực góp phần giáo dục lòng yêu nước cho các thế hệ con người Việt Nam.

Tin tức tiêu biểu
  • Hành trình du lịch Tây Bắc trong 6 ngày.
    Hành trình du lịch Tây Bắc trong 6 ngày.
    Cho bạn thời gian 6 ngày để du lịch Tây Bắc, bạn sẽ làm gì? Sau đây là những gợi ý lịch trình dành cho bạn.
  • Kinh nghiệm du lịch Tây Bắc
    Kinh nghiệm du lịch Tây Bắc
    Du lịch Tây Bắc với cung đường tuyệt đẹp từ Hà Nội lên Sapa, qua Điện Biên rồi về Sơn La.
  • Ẩm Thực Mù Cang Chải- Những Món Ngon Nổi Danh Tây Bắc
    Ẩm Thực Mù Cang Chải- Những Món Ngon Nổi Danh Tây Bắc
    Mùa Cang Chải không chỉ ghi dấu trong lòng du khách bởi những thửa ruộng bậc thang vàng óng giữa bốn bề núi rừng xanh ngát hùng vĩ đẹp tựa trong tranh mà còn mê hoặc lòng người bởi những món ăn đặc sắc mang đậm hương vị của núi rừng tây Bắc. Ẩm thực nơi đây không chỉ độc đáo và khác biệt trong cách chế biến mà ngay từ nguyên liệu đã hết sức tươi ngon nhờ những sản vật được sử dụng trực tiếp từ địa phương.
Top